THẾ MẠNH CỦA BẤT ĐỘNG SẢN CÔNG NGHIỆP TRONG CÁC NĂM QUA

Thời gian qua, bất động sản công nghiệp tiếp tục là điểm sáng trên thị trường với tỷ lệ lấp đầy cao, nhu cầu lớn, thu hút mạnh vốn đầu tư nước ngoài và duy trì tốc độ phát triển ổn định. Nhờ đó, đây là phân khúc được kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai.

Bất động sản Bình Dương hưởng lợi gì từ các khu công nghiệp

Bất động sản công nghiệp Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ trong năm qua

Ngân hàng tích cực hỗ trợ

Theo Thông tư số 22/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, kể từ ngày 1/7, hệ số rủi ro sẽ giảm từ 200% xuống 160% đối với các dự án bất động sản khu công nghiệp, nhưng các dự án bất động sản khác vẫn bị áp hệ số rủi ro là 200% như quy định cũ. Do đó, bất động sản công nghiệp đang được nhà băng “ưu ái” cho vay vốn tín dụng hơn so với các phân khúc khác.

Theo đó, trong nửa đầu năm 2024, tín dụng khu chế xuất, khu công nghiệp tăng 9,47%; tín dụng văn phòng, cao ốc tăng 11,2% so với cuối năm trước. “Mặc dù tỷ trọng dư nợ đối với lĩnh vực này thấp so với tổng dư nợ tín dụng bất động sản, nhưng tín dụng tăng đã phản ánh xu hướng phát triển của bất động sản công nghiệp và là yếu tố tích cực tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và tăng trưởng kinh tế”, ông Nguyễn Văn Nguyện – Phó trưởng phòng tổng hợp kiểm soát nội bộ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đánh giá.

Dòng vốn chảy mạnh vào bất động sản công nghiệp

Theo báo cáo mới nhất của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), trong quý I năm 2024, Việt Nam có tổng cộng 418 khu công nghiệp hoặc khu chế xuất, chiếm tổng diện tích gần 1,3 triệu hecta.

Khu công nghiệp Cơ khí được đầu tư hơn 1 tỷ USD tại Bình Dương

Khu công nghiệp Cơ khí được đầu tư hơn 1 tỷ USD tại Bình Dương 

Trong số này, có 371 khu nằm độc lập, không thuộc các khu kinh tế đặc biệt, 39 khu được thuộc các khu kinh tế ven biển. Và 8 khu còn lại được bố trí tại các khu kinh tế cửa khẩu, đóng vai trò quan trọng trong hoạt động thương mại quốc tế.

Các khu công nghiệp này đã thu hút hơn 10.400 dự án đầu tư trong nước và hơn 11.200 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký lần lượt là 2,54 triệu tỷ đồng và 231 tỷ USD. Đặc biệt, vốn FDI chiếm khoảng 35 – 40% trong tổng số vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước trong các năm gần đây. Sự phát triển của các khu kinh tế này đã tạo ảnh hưởng tích cực đến nền kinh tế nói chung với khoảng 4,15 triệu việc làm cho người lao động, phần lớn ở vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng.

Thị trưởng tiếp đà tăng trưởng nhờ hội tụ nhiều lợi thế 

Hiện nay, tỷ lệ lấp đầy trung bình của các khu công nghiệp trên cả nước đang đạt mức cao, trên 75%. Ở các khu vực  trọng điểm phía Bắc lên đến 82% và phía Nam là 92%. Tại các thị trường cấp 1 như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Hải Dương, Bắc Ninh,… đất cho thuê dần trở nên hạn hẹp, khó tìm. Thay vào đó, các thị trường cấp 2 như Bà Rịa Vũng Tàu, Tây Ninh, Thái Bình, Thái Nguyên…dần trở thành “mỏ vàng” với quỹ đất rộng và giá thành không quá đắt đỏ. 

Nguồn cung khan hiếm trong khi nhu cầu luôn ở mức cao khiến bất động sản công nghiệp không ngừng tăng trưởng từ 8-12% qua mỗi năm, kéo theo giá thuê tăng cao. Điển hình là khu vực miền Bắc đang chứng kiến mức tăng giá mạnh nhất, với giá thuê khu công nghiệp trung bình là 135 USD/m2/ chu kỳ thuê, tăng đến 30% so với năm ngoái.

Lý giải cho điều này, VARS cho rằng nhờ môi trường chính trị ổn định kết hợp cùng chính sách ưu đãi thuế, Việt Nam trở thành điểm đến sáng giá với các nhà đầu tư nước ngoài. Với sự đầu tư mạnh vào hạ tầng (cảng biển, sân bay, cao tốc…) và hoạt động logistics, giúp chuỗi cung ứng vận hành hiệu quả, nhanh chóng hơn. 

Đầu tư hạ tầng cảng biển giúp dẫn dắt nguồn vốn FDI lớn vào Việt Nam

Đầu tư hạ tầng cảng biển giúp dẫn dắt nguồn vốn FDI lớn vào Việt Nam

Xu hướng đầu tư của doanh nghiệp quốc tế vào các khu công nghiệp Việt Nam được dự đoán sẽ chủ yếu tập trung vào nhóm ngành mang lại giá trị cao như công nghệ cao và điện tử. Đồng thời, sự dịch chuyển của các nhà đầu tư tầm cỡ từ Trung Quốc sang Việt Nam còn được cho là cơ hội vàng để bất động sản công nghiệp bứt phá.

Để mở rộng cơ hội giao thương quốc tế, Việt Nam đang tích cực tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FIA) như CPTPP, EVFTA, và RCEP. Hơn nữa, nước ta còn đang trong thời kỳ dân số vàng với lực lượng lao động trẻ dồi dào, chi phí cạnh tranh. Nếu được tận dụng thành công các yếu tố này, bất động sản công nghiệp hứa hẹn “chiếm sóng” thị trường thời gian tới.  

Ngoài yếu tố khách quan như xu hướng chuyển dịch sản xuất trên toàn cầu, bất động sản công nghiệp còn nhận trợ lực rất lớn từ các chính sách vĩ mô – mở cửa thu hút đầu tư của Chính phủ. Không chỉ có các doanh nghiệp bất động sản công nghiệp “lâu đời”, mà ngày càng chủ đầu tư khác như như DIC Corp, Phát Đạt, Hà Đô, Khang Điền…cũng đã lên kế hoạch tham gia cuộc đua đầy sôi động này.