Bình Dương phấn đấu trở thành trung tâm đô thị mang tầm khu vực

Bình Dương ưu tiên phát triển các ngành công nghệ cao, các ngành dịch vụ chất lượng cao, phấn đấu trở thành trung tâm đô thị mang tầm khu vực.

Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trung tâm đô thị, công nghiệp… mang tầm khu vực

Bình Dương có diện tích tự nhiên 2.694,64 km bao gồm 9 huyện thị thành phố (TP Thủ Dầu Một, TP Dĩ An, TP Thuận An, TP Tân Uyên, TP Bến Cát, huyện Bàu Bàng, huyện Dầu Tiếng, huyện Phú Giáo và huyện Bắc Tân Uyên).

Bình Dương đã đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá phát triển… thành trung tâm đô thị.

Theo quy hoạch, Bình Dương sẽ liên kết phát triển với các địa phương trong vùng Đông Nam bộ để xây dựng Đông Nam bộ trở thành vùng văn minh, hiện đại, phát triển năng động, trung tâm hàng đầu của cả nước và khu vực Đông Nam á về kinh tế, tài chính, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Theo quy hoạch đến năm 2030, Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực Đông Nam Á…

Còn đến năm 2050, sẽ xây dựng Bình Dương trở thành trung tâm đô thị, công nghiệp, dịch vụ hiện đại, mang tầm khu vực và quốc tế…

Để làm được điều này, Bình Dương đã đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá phát triển: Liên kết hợp tác phát triển vùng; Đổi mới hệ sinh thái phát triển; Phát triển xã hội, nguồn nhân lực; Phát triển Bình Dương xanh; Phát triển các không gian động lực.

Tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp

Bình Dương đang có lợi thế về phát triển công nghiệp, hiện nay Bình Dương được xem là thủ phủ của công nghiệp. Các khu công nghiệp (KCN) đang được quy hoạch bài bản, đồng bộ và tăng trưởng bền vững.

Các khu công nghiệp ở Bình Dương đang được quy hoạch bài bản, đồng bộ.

Tiếp nối những gì đã đạt được, Bình Dương xác định phải tiếp tục chú trọng đẩy mạnh phát triển công nghiệp, xem công nghiệp là ngành mũi nhọn của địa phương. Theo quy hoạch, đến năm 2050 Bình Dương sẽ có 42 KCN, với tổng diện tích khoảng 25.000 ha.

Trong đó, tiếp tục thực hiện 33 KCN đã được quy hoạch (gồm 29 KCN đã thành lập và 4 KCN đang chuẩn bị đầu tư); thành lập mới 10 KCN.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn này Bình Dương sẽ có khoảng có 40-45 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 3.000 ha.

Để ngành công nghiệp phát triển bền vững, Bình Dương sẽ chú trọng vào hiện đại hóa các ngành hiện hữu, tăng tỷ lệ nội địa hóa ở các ngành công nghiệp hỗ trợ và phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao.

Đặc biệt, phát triển công nghiệp sinh thái, hiện đại, ứng dụng công nghệ cao. Đưa ngành công nghiệp chế biến chế tạo trở thành trụ cột chính trong nền kinh tế.

Bình Dương sẽ chú trọng vào hiện đại hóa các ngành hiện hữu.

Ngoài ra, ngành dịch vụ cũng được Bình Dương chú trọng đầu tư phát triển, để nâng cao tỷ trọng dịch vụ trong cơ cấu kinh tế. Trong đó, ưu tiên phát triển các dịch vụ logistics, dịch vụ thương mại chất lượng cao, dịch vụ hỗ trợ sản xuất công nghiệp tại khu vực và mô hình khu phức hợp quy mô lớn.

Còn về ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản thì phát triển theo hướng sinh thái xanh, sạch, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, lấy người nông dân làm chủ thể…, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối vùng

Hiện nay, Bình Dương là một trong các địa phương đang phát triển mạnh mẽ, không chỉ là về công nghiệp mà cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông luôn được tỉnh này tập trung đầu tư, hoàn thiện.

Bình Dương đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến đường Vành đai 3 (đoạn đi qua Bình Dương).

Hình ảnh mô phỏng tuyến đường Vành đai 3 khi hoàn thành.

Bình Dương xác định rằng có được hệ thống giao thông tốt sẽ là một trong những yếu tố quyết định được sự phát triển của địa phương. Chính vì vậy, từ trước đến nay Bình Dương vẫn luôn đẩy nhanh xây dựng, mở rộng hệ thống giao thông.

Theo quy hoạch, Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống giao thông trong tỉnh, đặc biệt là các tuyến đường kết nối vùng.

Tuy nhiên, phát triển hệ thống giao thông vận tải phải bảo đảm tính thống nhất, hợp lý, đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường và phù hợp với định hướng phát triển của quốc gia, vùng Đông Nam Bộ và của tỉnh.

Trong đó, cần ưu tiên đầu tư trước để tạo tiền đề, làm động lực phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bảo đảm quốc phòng – an ninh, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Quốc lộ 13 đang được nâng cấp, mở rộng.

Cụ thể, phát triển các tuyến giao thông quốc gia trên địa bàn tỉnh (gồm: Cao tốc Bắc-Nam phía Tây; cao tốc TP HCM – Chơn Thành – Hoa Lư; Vành đai 3; Vành đai 4; Quốc lộ 1; đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 56B; Quốc lộ 13B; Quốc lộ 13C).

Phát triển hệ thống giao thông kết nối liên tỉnh gồm các tuyến đường: Bình Dương – TP HCM (Quốc lộ 1, Quốc lộ 13, Quốc lộ 1K, ĐT 741, ĐT 743B, ĐT 745, ĐT 746, đường ven sông Sài Gòn)….

Bình Dương – Đồng Nai: Quốc lộ 1K, Quốc lộ 56B, ĐT 742C, ĐT 743…;

Bình Dương – Bình Phước: Cao tốc Bắc – Nam phía Tây, cao tốc TP HCM – Chơn Thành – Hoa Lư, Quốc lộ 13, Quốc lộ 13B, Quốc lộ 13C.

Ngoài ra, Bình Dương cũng tập trung vào giáo dục, đào tạo, chú trọng vào an sinh xã hội.

Bình Dương đang đẩy mạnh nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Công tác chăm lo đời sống nhân dân cũng luôn được Bình Dương chú trọng.

Trong đó, phát triển văn hóa, con người Bình Dương, lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, nguồn lực, mục tiêu dài hạn để phát triển bền vững. Nâng cao sức khỏe, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Tạo môi trường sống tốt để thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nguồn nhân lực chất lượng cao đến sống và làm việc tại Bình Dương.

Bình Dương dự kiến sẽ tổ chức lễ công bố quy hoạch tỉnh Bình Dương vào thời gian tới đây.

Dự kiến, ngoài lễ công bố thì còn có chuỗi các hoạt động khác như khởi công, khánh thành, triển lãm….